Chiến lược M&A của Masan (MSN)
Thay vì tập trung vào lợi nhuận ngắn hạn từ các thương vụ, Masan đặt mục tiêu xây dựng các nền tảng chiến lược bền vững, tập trung vào ngành tiêu dùng và bán lẻ cốt lõi để tập trung tối ưu hóa vận hành và khai thác tối đa các cơ hội tăng trưởng trong nước.
Chiến lược M&A của Masan
Masan Group (MSN) nổi bật với chiến lược mở rộng hệ sinh thái tiêu dùng - bán lẻ thông qua hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A). Những thương vụ quan trọng như nắm giữ hơn 98% Vinacafé Biên Hòa, kiểm soát chuỗi bán lẻ WinCommerce (trước đây là VinCommerce), và đầu tư vào chuỗi trà, cà phê Phúc Long đã giúp Masan hoàn thiện chiến lược "Point of Life". Đây là mô hình lấy người tiêu dùng làm trung tâm, tạo ra nền tảng phục vụ từ nhu yếu phẩm đến dịch vụ tài chính.
Thay vì tập trung vào lợi nhuận ngắn hạn từ các thương vụ, Masan đặt mục tiêu xây dựng các nền tảng chiến lược bền vững, tập trung vào ngành tiêu dùng và bán lẻ cốt lõi. Năm 2024, Masan giảm dần các hoạt động M&A để tập trung tối ưu hóa vận hành và khai thác tối đa các cơ hội tăng trưởng trong nước.
Một trong những điểm sáng chiến lược là dòng vốn quốc tế. Bain Capital, một trong các quỹ đầu tư tư nhân hàng đầu thế giới, đã đầu tư tổng cộng 250 triệu USD vào Masan. Dòng vốn này củng cố tiềm lực tài chính, giúp Masan tăng cường khả năng phục vụ 100 triệu người tiêu dùng Việt Nam. Ngoài ra, tập đoàn đã huy động hơn 5 tỷ USD từ các quỹ lớn như KKR, TPG, và SK Group, thể hiện sự tin tưởng của nhà đầu tư vào chiến lược dài hạn của Masan.
Hiệu quả kinh doanh của Masan
Trong mảng kinh doanh cốt lõi, WinCommerce đạt doanh thu tăng trưởng 9,1% so với cùng kỳ, đạt 8.603 tỷ đồng trong quý III/2024. Đây là lần đầu tiên chuỗi bán lẻ này ghi nhận lợi nhuận ròng sau thuế kể từ đại dịch Covid-19, nhờ chiến lược phát triển các mô hình cửa hàng WIN và WinMart+ Rural. WinCommerce cũng đặt mục tiêu đạt 4.000 điểm bán vào cuối năm 2024, hướng đến tăng trưởng bền vững.
Về tái cấu trúc, Masan đã thoái vốn tại các mảng kinh doanh không cốt lõi như H.C. Starck Holding (Đức) để tập trung nguồn lực vào các lĩnh vực chiến lược. Đồng thời, tập đoàn gia tăng sở hữu tại WinCommerce nhằm củng cố vị thế trong ngành bán lẻ hiện đại.
Nhìn chung, Masan Group đã khẳng định vị trí hàng đầu trong lĩnh vực tiêu dùng - bán lẻ nhờ chiến lược M&A hiệu quả, tập trung vào người tiêu dùng và tối ưu hóa nguồn lực. Với nền tảng tài chính mạnh mẽ và mô hình vận hành hiện đại, Masan sẵn sàng khai thác cơ hội từ xu hướng tiêu dùng đang bùng nổ tại Việt Nam.
Nguồn: Báo đầu tư, số 147 (4378) trang 11, ra ngày 06/12/2024